Để làm răng sứ cố định có hai cách. Một là bác sĩ phải mài một hoặc nhiều chiếc răng thật để làm trụ cầu, nếu răng thật chỉ còn chân răng sẽ chữa tủy cẩn thận, làm một cùi giả thay thế như một trụ răng, sau đó mới làm cầu răng. Hai là phương pháp cắm implant. Bác sĩ sẽ
cấy ghép implant vào ngay vị trí mất răng. Trên trụ implant gắn thêm một bộ phận kết nối như cùi giả để gắn một chiếc
răng sứ hay một bộ phận làm cầu răng, bệnh nhân không phải mài răng thật.
Bộ Y tế có quy định về tiêu chuẩn chất lượng trong việc làm răng sứ cho bệnh nhân hay chưa?- Các bác sĩ răng hàm mặt, kỹ thuật viên khi học ở trường đều được đào tạo về quy trình kỹ thuật để làm một chiếc răng sứ. Còn quy định về tiêu chuẩn chất lượng răng sứ khi làm cho bệnh nhân thì chưa có.
Làm răng sứ có chỉ định trong những trường hợp nào, thưa bác sĩ?- Răng sứ có chỉ định làm trong những trường hợp mất một hoặc nhiều răng sẽ
làm cầu răng. Với trường hợp chân răng còn tốt nhưng thân răng bị nhiễm màu (nhiễm thuốc Tetracycline lúc còn nhỏ, hút thuốc lâu ngày, mặt răng có cấu tạo khiếm khuyết... làm răng không láng bóng, đẹp, xỉn màu) thì bác sĩ sẽ mài bớt lớp men răng thật và làm mặt sứ dán vào.
Trường hợp răng bị sâu, vỡ lớn, trám tái tạo sẽ không bền, bác sĩ sẽ mài chiếc răng đó nhỏ lại và chụp một chiếc răng sứ lên răng thật đó, gọi là mão sứ.
Người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... làm răng sứ được không?- Chất liệu sứ vô hại trong môi trường miệng của bệnh nhân. Với người có các bệnh lý nói trên đều có thể làm răng sứ, không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, một số người bị bệnh tim hay hồi hộp lúc mài răng do đau có thể ảnh hưởng đến tim mạch, bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau, thuốc tê một cách cẩn trọng.
Chỉ với những người bị bệnh máu chảy lâu đông có thể nguy hiểm vì khi bác sĩ mài răng có thể bị chạm vào nướu răng làm chảy máu kéo dài. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp.