Theo dân gian, người ta thường dùng lá trà già và vỏ cau khô để làm sạch các vết bẩn, ố vàng trên răng hoặc làm bóng bề mặt răng. Nhưng thực tế, phương pháp thủ công này chỉ làm sạch răng mà không thể làm trắng. Theo bác sĩ răng hàm mặt Nguyễn Khắc Huy, nguyên BS Bệnh viện Nhi Đồng 2, chất tẩy răng trên thị trường mà các nha sĩ thường dùng chủ yếu gồm hai loại là Hydrogen peroxide và Carbamide peroxide, được ứng dụng ở nhiều nồng độ khác nhau tùy chất lượng răng. Việc tẩy răng trắng cấp tốc tại các phòng nha theo phương pháp đèn chiếu hay kích hoạt, đẩy nhanh quá trình làm trắng của thuốc tẩy bằng nguồn năng lượng được giới thiệu có tác dụng ngay sau một giờ.
Việc tẩy trắng răng tại nhà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân được kiểm tra chất lượng răng trước khi tẩy trắng, không mắc các bệnh viêm nhiễm nướu, bệnh nha chu, mòn cổ răng hay không bị mất men răng. Đặc biệt, phải sử dụng các loại thuốc tẩy được phép lưu hành và chứng thực của ngành y tế. Trường hợp cá nhân có hàm răng khỏe, tự dùng thuốc tẩy trắng răng loại tốt tại nhà cũng cần có sự hướng dẫn của nha sĩ, bởi chất lượng răng mỗi người khác nhau và cần điều chỉnh liều dùng để tránh bị bỏng nướu hay phỏng miệng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, có người tẩy răng không trắng, có người trắng xanh hoặc chỉ trắng được một thời gian rồi bị xỉn màu. Điều này cho thấy, tác dụng của chất tẩy răng chỉ tác động phía ngoài men răng và làm trắng sáng khi răng bị ố vàng, sậm màu nâu đen do bị thực phẩm bám vào lâu ngày, người thường uống trà, cà phê, hút thuốc lá hay răng bị ngả màu do vệ sinh không kỹ, răng bị vôi hóa.
Trường hợp răng bị ngả màu do yếu tố nội sinh, trong cấu tạo và chuyển màu trong quá trình mọc răng thì việc làm trắng ít hiệu quả, chất tẩy chỉ giúp răng sạch và bóng, thậm chí trắng sáng trong thời gian ngắn nhưng sau đó răng ngả màu vàng hơn, xỉn hơn do bị mất men răng. Vì thế, người dưới tuổi vị thành niên có thời gian dài uống thuốc kháng sinh, người bị bệnh chảy máu tủy sau chấn thương, người bị bệnh máu cao và rối loạn chuyển hóa do di truyền sẽ gặp tình trạng răng vàng hoặc sậm màu không thể tẩy trắng.
Như vậy, việc tẩy trắng răng cần có sự giám sát của bác sĩ, hướng dẫn sử dụng thuốc tẩy phù hợp với từng loại răng. Khi bạn bị các bệnh về răng, hàm, miệng, cần được điều trị dứt điểm trước khi tẩy răng. Không tẩy răng cho trẻ dưới tuổi vị thành niên, người bị bệnh tiểu đường, người có chứng bệnh thần kinh, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Trường hợp người bị nhiễm màu do di truyền và tác động nội sinh thì không nên làm trắng bằng phương pháp tẩy răng mà dùng biện pháp khác như dán sứ hay chụp sứ kim loại lên răng.
Để răng luôn trắng sáng, khỏe đẹp, bạn nên vệ sinh răng miệng đúng cách, cạo vôi làm sạch răng sau mỗi sáu tháng. Khi dùng các thức ăn có màu thì uống nước lọc sau đó để tránh nhiễm bẩn vào men răng. Cần khám răng định kỳ hàng năm để phòng tránh và điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng.
Các bạn có thể tham khảo thêm: